Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi công văn đến các ban, bộ, ngành, địa phương xin ý kiến, góp ý về Dự thảo. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ đã nhận được 18/32 bộ, cơ quan ngang bộ; 26/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 14/28 địa phương có biển, 12/35 địa phương không có biển và 14/37 đơn vị trực thuộc Bộ TNMT gửi văn bản góp ý. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, Bộ TNMT đã nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch. Đồng thời, trong quá trình xây dựng dự thảo Kế hoạch Bộ TNMT đã chủ động làm việc với các đối tác quốc tế quan tâm, hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong triển khai thực hiện xây dựng dự thảo Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ.
Dự thảo Kế hoạch được chia làm 3 mục chính: (A) Mục đích, yêu cầu; (B) Nội dung, giải pháp; (C) Tổ chức thực hiện và Phụ lục là Bảng tổng hợp danh mục các đề án, dự án, nhiệm vụ nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch. Trong đó, mục đích mà Kế hoạch đặt ra đối với Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, các khâu đột phá và giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện và phân công cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương có liên quan. Đối với Kế hoạch 5 năm đến năm 2025, mục đích bao gồm:
- Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025 nhằm triển khai các chủ trương lớn, khâu đột phá, các giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW.
- Phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với năng lực và khả năng huy động các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và viện trợ phát triển.
- Thực hiện tốt Kế hoạch 5 năm đến năm 2025 là điều kiện căn bản và quan trọng để thực hiện thành công Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo Kế hoạch đề ra 06 Nội dung và giải pháp chính, gồm có: (1) Về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; (2) Về phát triển kinh tế biển, ven biển; (3) Về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; (4) Về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; (5) Về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; (6) Đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Dự thảo Kế hoạch đã nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả.
Bên cạnh nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương, tại dự thảo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Bộ Chính trị quan tâm chỉ đạo lồng ghép các nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW vào trong Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chỉ đạo các các Tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tích cực phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ và Cơ quan điều phối liên ngành trong việc lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình công tác để xem xét thông qua các dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết; điều chỉnh, bổ sung và bố trí ngân sách triển khai chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết; đề nghị Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tuyên truyền trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi trình bày quá trình xây dựng
và nội dung tóm tắt Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW
(Ảnh: www.monre.gov.vn)